Những mùa tháng chạp đi qua

nhung-mua-thang-chap-di-qua

Mới đó mà đã năm cái tháng chạp qua đi... Tất cả đều đổi thay... Chỉ có gió là vẫn vậy, trường tồn mãi mãi, vẫn thổi những cái bánh tráng của cô phơi trắng cả cánh đồng, và thổi những mái tóc xanh lưa thưa nhuốm bạc... 
***

Heo heo gió bấc vầy là đã tháng chạp rồi đó. Nhìn hàng so đũa trước giàn trổ bông. Cô tư thấy thằng Rớt con anh hai nhà bên coi bộ bận dữ. Sáng giờ cứ thấy nó chạy ra chạy vào phơi dây lạc. Thằng nhỏ ốm tong teo, đen nhẽm ở trần mặc cái quần đùi kéo quá rún, nhìn thiệt ngộ.
Từ dạo chị hai Đàn bỏ đi. Cô tư lại hay có thói quen "xấu" không bỏ được là nhìn tần ngần sang nhà hàng xóm. Cô dòm xem chị hai Đàn về chưa? (Rảnh hôn, mắc gì mình!) xem thằng Rớt sáng nay có đi học không? Xem coi đồ đạc cha con họ phơi bên rào có bị gió cuốn bay không? và xem anh hai... đang làm gì! (Quởn dữ?!)
Ừ, thì đâu có làm chi. Tại cái lò tráng bánh tráng bên này mở cửa trông qua nhà người ta, nên mắt phải dòm vậy thôi (?). Mà đâu phải cô tư mới có dòm sang nhà bên đó từ khi chị hai Đàn bỏ đi đâu. Nói thêm xấu hổ chứ, sợ anh hai bên nhà không nhớ. Cái hồi hai đứa còn để chởm chí mén, chí đực đua nhau làm ghẻ, làm tổ trên đầu cô tư đã hay có thói quen nhìn anh hai rồi. Bởi vì... anh lạ nhất so với đám bạn trong xóm, bước chân anh cao thấp. Anh chơi trò năm mười trốn tìm bao giờ cũng là người bị bắt đầu tiên, bởi vì anh có trốn ở đâu thì trên cát cũng để lại những dấu chấm phẩy khác thường. Vậy mà trò nào trong xóm cũng có anh chơi. Ném lon, bắn bi, nhảy lò cò... anh té xấp té đụi trên cát, vẫn bò dậy đứng lên cười híp mắt. Người ta chọc ghẹo: Tao bẻ cái chân mày đem xỉa răng bây giờ (Chọc gì ác vậy?) ảnh cũng làm ngơ. Hồi đó người ta còn nhỏ ngây thơ, nghĩ cái gì cũng đơn giản nên đâu có để bụng ai cái gì. Nói vậy chứ, cô tư lặng thầm nhìn anh hai bị bắt nạt, kéo vạt áo khóc rấm rức hoài chứ ít ha... Vậy mà lúc anh thấy cô tư khóc bên rào, anh còn chọc: Đúng là đồ con gái mít ướt. lêu lêu...
Anh hai ở với má, lúc trước má anh làm vợ nhỏ cho ông thầu hồ trên tỉnh. Sau vì bên vợ lớn biết được, thuê mấy tay anh chị xuống đập nhà đập cửa. Cha anh xấu hổ bỏ đi, còn má anh thôi phụ hồ, gói gém về quê mang theo cái bầu vừa tượng hình mà ngay đến cha anh còn không biết. Bà ngoại anh dù biết con gái mình hư thân đang có mang , cũng tìm cách ép gã cho một người mai mối trong làng. Sau đêm tân hôn, sự thật bị vỡ lẽ ra, má anh tủi nhục ôm bụng về trong sự khinh miệt của đàn trai, trong những ánh mắt soi mói, đàm tiếu của lối xóm láng giềng.
Anh được sinh ra trong nhọc nhằn và tủi phận như vậy đấy. Má anh nhìn núm ruột mình sinh ra bị khèo một chân thì tan nát cõi lòng. Đã có lúc bà muốn giả đò buông tay đánh rơi anh một cái. Biết đâu sau tiếng khóc thét kinh hoàng, con bà sẽ không khổ về sau. Nó có tội gì phải mang cái khổ tâm hồn, còn gánh thêm cái đau đớn thể xác. Bà dụi mắt. Nước mắt rơi bên ngoài làm sao đếm bằng những giọt cay đắng chạy ngược vào trong. Và rồi, tiếng cười như thiên thần của đứa con trai chăm chăm nhìn mặt mẹ, và đôi tay mũm mĩm giơ cao kia như ánh chớp lòa rạch một đường sáng ngang qua đánh thức bà giữa đêm đen tuyệt vọng. Bà xiết chặt con vào lòng khóc thảm thiết "Ông trời ơi...ông địa ơi....ông thần ơi...Ngó xuống mà coi ..."
Sau đó ít lâu má anh bị một cơn bạo bệnh rồi qua đời. Cuối đời bà chỉ mong gặp lại mặt chồng, chỉ để nói cho ông hay rằng: Anh à, em có sinh cho anh một đứa con trai. Nó tên là Rơi đó anh. Lúc anh nhận mặt con, anh đặt lại tên nó giùm em. Tên gì cũng được, miễn sao đừng mang tiếng con rơi nữa anh nha.
Nhưng đợi hoài chờ hoài rồi chìm dần trong vô vọng, chìm trong giấc ngủ ngàn thu...Kết thúc cuộc đời ô trược.
Rồi anh Rơi cũng lớn dần lên cùng lứa bạn trang xóm. Anh học cái nghề nặn bánh rế. Ngày nào anh cũng tất bật dậy thật sớm nhàu bột, nặn bánh. Những vòng bột trắng như hoa cau nằm xếp chồng lên nhau theo hình xoắn ốc đều tăm tắp trong khay. Được mười mấy khay, anh châm lửa lò, bắt chảo lên chiên. Mùi mở nóng dậy mùi bột vừa chín dòn thơm lan cả xóm. Bọn trẻ con cầm năm trăm, một ngàn chạy qua nhà anh mua bánh dẻo ( loại bánh chưa chín hẳn có màu vàng xẩm, rất ngon.) Anh làm bánh nhiều nhất là vào độ tháng chạp. Dân buôn đặt mua nhiều. Chủ yếu cung cấp cho thị trường tết đến. Cứ mười hai cái cắt lạt cột thành chùm. Một trăm hai chục cái kết thành một vòng. Rồi ba trăm , bốn trăm...Những đơn hàng càng xa số lượng bánh cột vòng càng nhiều. Bánh được ủ trong các bọc ny long kín hơi giúp bánh dược dòn rụm, nhai nghe rào rạo trong miệng.
Cô tư thích nhất là được nhìn anh vò bánh. Cục bột trên tay anh tựa như chiếc bụng của loài nhện đang nhả tơ. Sợi bột đánh dài như kéo chỉ. Bàn tay anh thoăn thắt lướt trên bàn bột. Cả người anh vươn trắng cả bột làm cô thấy thương gì đâu. Mấy bận cô qua nhà hỏi mua: Khi nào có bánh dẻo, anh để cho tui hai ngàn nha, anh hai. Chiều má tôi qua trả tiền. Anh hai cười hít mắt. Tiền bạc gì mà cô tính. So với mấy dĩa bánh ướt mỡ hành sáng nào cô cũng cho tôi có thắm tháp gì đâu. Cô tư đỏ mặt, ngó bân quơ rồi làm như có chuyện gì gấp lắm: Chết thiệt, má tôi dặn rãi lúa cho mấy con gà mà tôi quên đi. Rồi quầy quả chạy về với nụ cười lúng liến trên môi.
Ai ngờ, đột nhiên cô tư nghe tin anh hai lấy vợ. Vợ anh là người miệt miền tây. Sững sờ, bàng hoàng, cô lay tay má mình muốn sứt ra: Ai, ai mà chịu lấy anh hai Rơi vậy má, bộ chỉ không chê ảnh như vậy hay sao mà... Xui thay đúng ngay lúc anh hai qua chơi nhà (định mời thiệp cô tư) nghe cô tư hỏi kiểu đó. Anh hai Rơi xót lòng ngậm ngùi dợm bước chân. Anh chỉ nói khẻ một tiếng: Đám cưới tôi, cô tư có rảnh qua chơi nghen. Cô tư sững sờ: Anh hai, thật tình... à... em không có ý nói anh... Nhưng hai Rơi đã đi rồi.
Hôm đám cưới hai Rơi cô tư là người lăng xăng nhất. Người lạ nhìn vào cứ tưởng cô là họ hàng em út gì của hai Rơi chứ không phải là cô láng giềng mọi khi. Cô cười nói mời khách ráo hoảnh chuyên nghiệp như mấy cô tiếp tân nhà hàng. Nhìn hai vợ chồng anh hai đứng trước bàn thờ tự làm lễ, cô cứ đứng ngoài chép miệng chu choa: Sao mà xứng đôi, đẹp lứa quá! Kiểu này sống đến răng long đầu bạc, hạnh phúc đếm sao hết ta! Lúc vợ chồng anh hai xuống bàn tiệc tiếp khách, cô tư cầm ly nước ngọt của mình dốc ngược xuống đất, mượn chai bia của bàn kế bên rót đầy ly mình. Rồi đứng dậy mời anh hai vô trăm phần trăm nha. Chúc mừng trăm năm hạnh phúc! Hai Rơi rầu rầu: cô tư uống được không đó, coi chừng say à! Cơ tư vỗ ngực cành cành: Anh hai giỡn hoài, một hai ly này nhằm nhò gì em, anh lo là lo cho vợ anh kìa. Có vợ rồi, sau này phải lo cho cô ấy đàng hoàng, làm cho cô ấy hạnh phúc biết chưa? Rồi giơ cao tay đánh ừng ực một hơi cạn vèo veo. Mọi người mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau, không nhận ra: Cái con tư thường ngày nhõ nhẽ, kín tiếng, nói lời rõ lời không mà hôm nay chơi...mạnh dữ. Đến khi vợ chồng anh hai cúi chào mọi người đi qua bàn khác mà cô tư vẫn còn đứng tần ngần cầm ly không ngó theo. Một giọt nước mắt rơi xuống môi. Cô quẹt nhanh, càu nhàu ngồi xuống: Bia đắng kinh hồn! rồi không ai bảo ai, tất cả những người ngồi cùng bàn sửng sốt, đổ dồn nhìn cô rót hết ly này đến ly kia dốc ngược. Y như mấy người làm đồng, dang nắng cả ngày khác nước dữ dằng lắm.
Lúc tỉnh dậy, cô Tư thấy đang nằm trong buồng mình, đầu nhức lưng tưng bưng. Cô rướn người nhìn qua cửa sổ nhà hai Rơi. Thấy còn dăm người lưa thưa lúi cúi dọn bàn xếp rạp. Mấy đứa nhỏ lôi rạp lá dừa, đủng đỉnh chạy lòng vòng đuổi bắt nhau. Cái cửa sổ nhòe làm hai làm ba, cái cao cái thấp. Tự dưng nước mắt cô rơi như mưa. Từ nay chắc anh hai Rơi không còn cần dĩa bánh ướt mỗi sáng của cô nữa rồi. Vì anh hai đã có vợ. Mỗi sáng, vợ anh sẽ nấu cơm nóng, canh ngon, rồi hai vợ chồng cùng ngồi ăn, cùng nói chuyện, cùng bàn về những đứa con sắp sữa ra đời. Mình nên đặt tên chúng là gì a? Con trai thì đặt tên là Sơn, con gái thì đặt là Thủy nhưng mà em vẫn thích con trai đầu lòng hơn, mà thôi con nào cũng là con mình. Hạnh phúc quá còn gì!
Đám cưới anh hai cũng vào dịp cuối năm, tháng chạp. Gió tứ bề thổi xác xơ, heo hắc... Không hiểu sao vào mấy ngày đó, gió ở đâu mà cuốn về nhiều đến vậy. Cô phơi bánh tráng. Gió thốc từ dưới thốc lên, phơi bánh trắng cả khoảng đồng. Một mình cô tư giữa gió, giữa bánh, giữa cát nặng lòng tự hỏi... từ nay chắc sẽ không còn ai giúp cô lượm bánh, chồng líp phụ nữa rồi. Mấy cây xào phơi bánh, gió ăn chân ngã lăn soài dưới đất. Cô đội nón lá lụp xụp mang xà ben ra thậm thụt đào lỗ. Hai Rơi trong nhà chạy ra. Mấy chuyện nặng nhọc để tui làm giúp cho. Cô tư đỏ cay mắt, gạt tay: Mắc mớ gì, anh vô đi, có gì mà mần. Anh lo vô chiên bánh phụ chị hai khéo chị réo bi giờ. Anh thẫn người líu ríu đi vô. Cô kéo xụp nón, lồng ngực dâng lên ngần ngận nước. Hịch đụi đào cái lỗ đến tầy huầy mà vẫn chưa thôi.
Vậy mà thêm cái chạp nữa đi qua. Gió vẫn thổi và nối dài những chuỗi hành trình vô thường vô bờ bến. Người ta thấy chị hai Đàn tay xách nách mang khăn gói bỏ đi. Cả xóm hết thẩy ngạc nhiên. Thấy thường ngày vợ chồng anh không to tiếng một lời mà chuyện đứt đoạn sao dễ dàng ngon ơ.
Anh bế thằng Rớt ( không phải tên Sơn) đứng ngẹo một chân dựa cửa, dõi theo bóng vợ tù mù xa... Cảnh đó cô tư thấy hết (tại cái tật hay ngóng chuyện) Thằng Rớt sinh rớt chắc vừa tròn bốn tháng. Lúc đó nó có biết gì đâu, cũng giống anh ngày xưa híp mắt cười, rồi giơ đôi tay mũm mĩm lên níu mặt cha. Thấy thương sao là thương vậy hà...
Chắc cũng hơn tháng sau kể từ ngày chị Đàn bỏ đi, cô tư mới lại dám sang nhà đặt lên bàn cạnh anh dĩa bánh ướt xát mỡ hành. Rồi đứng lặng nhìn thằng bé hốc hác thiếu mẹ nằm u ơ trên võng. Từ độ mẹ nó bỏ đi (nghe má bên nhà chạy qua chạy lại kể), anh hay chắc nước cơm cho nó bú thép đỡ nhớ mẹ. Còn anh hai thân như chuối ngã tàu xác xơ lay lắc...Muốn mở miệng động viên anh mấy lời mà sao khó quá. Khó như cái lần cô muốn nói cô thương anh rồi vậy...
Mới đó mà đã năm cái tháng chạp qua đi... Tất cả đều đổi thay... Chỉ có gió là vẫn vậy, trường tồn mãi mãi, vẫn thổi những cái bánh tráng của cô phơi trắng cả cánh đồng, và thổi những mái tóc xanh lưa thưa nhuốm bạc... Sang năm là cu Rớt vào lớp một, mới đó mà nhanh thật, thời gian qua mau như một cái nhắm mắt của người thiếu ngủ. Cái thằng nhóc con năm nào còn nằm ẳm ngửa trên tay cô khóc oe oe mà nay đã biết nghĩ, phụ đỡ việc nhà cùng anh hai. Cô nghĩ thẫn thờ, rốt cuộc rồi thì anh vẫn hơn cô rất nhiều thứ. Sau này còn có thằng Rớt làm nguồn vui. Anh có người để mông ngóng... Còn cô, thân bóng một mình. Cô biết chờ ai, đợi ai bây giờ... Má cô, hết thúc đứng lại thúc ngồi, ra vào hối cô kiếm lấy tấm chồng để còn nhờ cái thân lúc sau này. Cô cười xuề xòa... rồi buồn bâng quơ...liệu có ai tốt được như anh hai Rơi không? (khối người trong xóm.) người đó có chuyên cần giỏi giang như anh không? (có, tư Mót xóm bún) có ai chịu khó tần tảo, gà trống nuôi con được như anh không? (thằng Út đẹt chết vợ làng bên nhắm cũng được à!) và... có ai được như anh, nuốt nước mắt, chịu để vợ về với nhân tình cũ. (...) và cũng sẽ không có người nào khèo một bên chân giống anh. Nếu có người nào được như vậy, chắc cô sẽ không nghĩ ngợi gì mà gật đầu cái rụp chịu liền ấy chứ.(?) Má cô chặc lưỡi, chặc riết, chặc hoài rồi cũng thôi, đã đời chuyển sang nói bóng gió: Tao thấy thằng hai cũng được, coi vậy chứ biết tình biết nghĩa lắm. Cô đỏ mặt, la ong ỏng: Người ta là anh em với nhau, má không biết hay sao mà nói gì kỳ cục.
Mà, má nói kỳ thiệt. Chắc anh hai chỉ xem cô là cô em gái thôi. Mấy bận cô ngồi phụ anh xỏ bánh. Anh chỉ ngồi lặng yên một chỗ nơi góc cuối bàn. Cô nói gì anh cũng à, hỏi gì anh cũng ừ, nhát gừng cho qua chuyện. Nếu mà thương, đâu ai nói với người mình thương kiểu đó. Cô tư hỏi lòng, hay tại anh hai Rơi còn thương chị hai Đàn?! Chắc vậy quá! Dù gì cũng nghĩa vợ chồng lại có với nhau mặt con. Tình cảm đâu phải là thứ gì dễ dàng nói quên là quên ngay được. Cũng như cô, muốn quên anh hai lắm, quên phứt cho rồi, quên để còn đi lấy chồng cho má vui. Mà có được đâu. Làm sao quên được cái dáng người lầm lũi bước thấp bước cao, ngày nào cũng như ngày nào quàng đứa con trước ngực, sau lưng đèo bao bánh nặng trĩu, đạp xe mấy mươi cây số vượt gió, vượt cát ra chợ huyện bỏ mối, nỡ đành! Rồi những lần cô cùng anh tất tả đêm khuya bế thằng Rớt lên cơn co giật gõ cửa từng hiệu thuốc giữa cơn mưa dông tầm tã. Những buổi chiều trời cao lồng lộng, nhìn anh cùng con thả diều trên cánh đồng bánh tráng . Hai cha con cười trong veo trong gió mát. Và nhiều, nhiều lắm đâu ít gì mà nói quên là quên được.
Vậy là thêm một cái chạp nữa...Năm nay gió vẫn hiu hắc thổi về cái xóm nghèo này. (Năm nào mà chẳng vậy) Gió thổi hoài mà sao anh hai còn chưa thương cô tư. Chưa nói với cô một lời, cho bùi tai.
Cô tư đi chợ về sẵn tiện ghé qua nhà cho thằng Rớt bịch bánh canh nước đường, tiện thể nhét đôi dép làu mới mua sau túi bột, rồi nhìn thằng Rớt ngồi đổ bột. Cô than: Cực quá vậy con, mặt mũi sao mà tèm lem túa lua hết trơn, rồi kéo vạt áo lau mặt cho nó. Cô ngó quanh quất hỏi lớn: Cái khăng lau mặt đâu rồi bây? (lau rồi còn kiếm khăn làm chi?) Kỳ thực ngó xem anh hai đang làm gì? Anh hai phía sau nhà đang chặt lạc. Một hồi anh đi vô nhà thấy cô, cô nhìn anh, không ai nói ai, mà lòng nghĩ ngợi đâu đâu.
- Cô tư, cô bảo thằng Rớt ghi tên cô vô chỗ phụ huynh học sinh làm chi, để cô giáo không hiểu... Cô tự chết lặng rồi ngậm ngùi...thương thằng Rớt quá. Nó mồ côi mẹ. Cô coi nó như con, mà đâu ai nghĩ chuyện đó là quan trọng. Ai ngờ... mà, cô làm chuyện đó, anh còn chưa hiểu lòng em sao!
- Cũng không có gì, tôi sửa lại rồi. Tôi cũng vừa cắt được trái mít non. Cô coi đem về hầm nước dừa ăn với cơm. Nói rồi anh lẳng lặng ra sau nhà kêu thằng Rớt mang trái mít bỏ vô vỏ đi chợ cho cô.
Cô bậm môi đứng phắt dậy, chạy ra sau nhà. Đứng ngay trước mặt anh. Cô muốn nói với anh ngay, nói liền lúc này, nói thẳng rằng: Cô muốn làm mẹ của thằng Rớt. Muốn nói cô thương anh từ lâu rồi, từ hồi anh còn nhỏ xíu đến lúc lớn lên, thương cả khi anh có vợ, đến khi anh vò võ gà trống nuôi con một mình, và vẫn còn thương anh đến tận bây giờ. Muốn nói thiệt nhiều... mà sao không mở lời được...
Tại sao? Tại vì biết anh hai Rơi trong lòng còn chờ vợ. Không biết anh chờ đến bao giờ? Chứ mình, thì suốt đời này, chắc mình chờ anh mãi...
Thêm một mùa tháng chạp lặng câm nữa lại qua rồi...
Tác giả: Lê Tấn Sang


EmoticonEmoticon